
1. Hãy nói với khách hàng rằng bạn đánh giá cao công việc của họ. Mọi
người đều thích làm việc với những người coi trọng công việc và bản
thân họ. Tuy nhiên, khách hàng không thể tự nhiên mà biết được bạn đánh
giá cao họ. Vậy thì bạn đừng quên biểu lộ cho khách hàng biết sự trân
trọng của bạn đối với công việc của họ. Khi kết thúc một cuộc họp hay
một cuộc điện thoại, bạn hãy cảm ơn khách hàng vì đã hợp tác với mình.
Hãy nói rằng bạn hiểu tại sao họ lại quyết định làm ăn với bạn và bạn
đánh giá cao sự lựa chọn này. 2.Trả lời điện thoại - và gọi lại. Mặc
dù có thể nhiều người nghĩ rằng làm như vậy sẽ vi phạm quy tắc quản lý
thời gian hiệu quả của các nhà lãnh đạo, nhưng điều này là không hoàn
toàn đúng. Nếu bạn đi tới các cuộc họp hoặc các cuộc hội thảo, người ta
sẽ nói với bạn rằng: Đừng trả lời điện thoại hay đừng để khách hàng gặp
được bạn. Họ nói thời gian là tiền. Nhưng nếu không có khách hàng, bạn
sẽ không có tiền. Đấy là lý do tại sao bạn nên đặt mục tiêu là sẽ gọi lại 99% số cuộc điện thoại trong ngày và 100% trong vòng 12 giờ sau. 3. Quan tâm tới những gì khách hàng muốn, không phải những gì bạn muốn. Hiện
nay, khách hàng đang có xu hướng tìm kiếm đối tác mới thay thế cho đối
tác cũ của họ, 80% trong số đó cho biết rằng họ thay đổi không phải vì
hiệu quả công việc, mà bởi vì quan hệ không tốt với nhân viên công ty.
Khách hàng ngày nay thường hay mất lòng tin ở nhân viên tư vấn hay dịch
vụ khách hàng, vì nhân viên ở bộ phận này thường đặt lợi ích của mình,
cụ thể là sản phẩm và doanh thu, cao hơn lợi ích của khách hàng. Vậy
thì cách giải quyết chính là bạn hãy giảm bớt những mối quan tâm về
doanh thu, mà hãy chú ý vào phong cách phục vụ. Khách hàng muốn được
phục vụ hơn là chỉ giao dịch đơn thuần. Khách hàng muốn bạn hiểu được
hoàn cảnh của họ, dành thời gian để tiếp xúc với họ, coi trọng thái độ
của họ và giúp họ giải quyết vấn đề. Đừng quên là bạn đang bán dịch
vụ và khách hàng là người mua. Bạn nên thường xuyên tự đặt câu hỏi: “
Liệu mục đích cao nhất của tôi là kiếm tiền hay làm cho khách hàng có
cái nhìn tốt đẹp về công ty?”. Nếu câu trả lời nghiêng về phía khách
hàng, có nghĩa là bạn sắp có thêm một khách hàng trung thành rồi đó. 4. Hãy làm cho khách hàng cảm thấy rằng họ rất quan trọng. Bạn
cũng có thể giữ khách hàng bằng cách chuyển mối quan hệ đối tác thành
mối quan hệ cá nhân, đặc biệt nếu bạn hoạt động trong các lĩnh vực như
môi giới bảo hiểm hay bán hàng đa cấp. Bạn hãy cố gắng duy trì lượng
khách hàng của mình bằng những cách làm khá đơn giản mà hiệu quả như gửi
thiệp chúc mừng nhân dịp lễ tết và thiệp cảm ơn tới khách hàng, mua
những quyển sách mới nhất về các nhân vật nổi tiếng làm quà cho họ, tặng
hoa trong những dịp sinh nhật, thậm chí nói cho tất cả mọi người biết
được hôm nay là ngày quan trọng nào đó của khách hàng…. Như thế, khách
hàng luôn cảm nhận được sự quan tâm, tôn trọng một cách thân tình của
bạn. Kết quả là bạn không chỉ giữ đươc khách hàng của mình mà còn có
thêm nhiều khách hàng mới bằng những lời tiến cử hào phóng của các khách
hàng thỏa mãn. 5. Đừng lãng quên khách hàng của bạn. Bạn
có nhận thấy rằng khách hàng đang thưa dần không? Có phải bạn đã mất
liên lạc với khách hàng của mình không? Nếu đúng vậy thì bạn đã sơ suất
rồi đó. Khi khách hàng không xuất hiện thì bạn hãy chủ động liên lạc với
họ và giữ thói quen gọi điện thoại hay thỉnh thoảng tới thăm họ. 6. Định hướng cho khách hàng của bạn. Bạn
không nên tự bào chữa rằng khách hàng sẽ tự biết họ mong muốn điều gì
và ngồi đợi để khách hàng tự tìm đến bạn. Ngược lại, bạn có thể giữ được
khách hàng của mình bằng cách định hướng cho họ. Bạn hãy giữ liên
lạc với khách hàng ít nhất 2 lần trong năm để cung cấp cho họ những
thông tin mới nhất mà bạn có bao gồm những chính sách mới của công ty,
những thay đổi trên thị trường, thông tin về sản phẩm… Khách hàng sẽ vui
hơn, và tin tưởng bạn hơn khi họ nhận được những thông tin như vậy từ
chính bạn, chứ không phải là từ những phương tiện truyền thông hay qua
lời đồn nào đó. Những thông tin mới nhất mà bạn gửi tới sẽ giúp khách
hàng biết được họ có lợi ích gì khi hợp tác với bạn. Khách hàng được
hướng dẫn, được “dạy” rất kỹ lưỡng về sản phẩm, họ biết trước rằng họ sẽ
cần mua sắm thứ gì rồi từ đó đưa ra quyết định của mình. Đây chính là
lý do tại sao khách hàng muốn làm việc với bạn.
|